Đào tiên

Cây Đào Tiên có tên khoa học là Crescentia cujete, có nguồn gốc ở Mỹ châu nhiệt đới

Cây Đào Tiên có tên khoa học là Crescentia cujete, thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae), có nguồn gốc ở Mỹ châu nhiệt đới (Brazin), nay được trồng ở hầu khắp các nước nhiệt đới Cựu lục địa. Ở nước ta, Ðào tiên được trồng ở Hà Nội, Ðồng Nai, Cần Thơ, An Giang để lấy quả ăn và làm thuốc.

Đặc điểm hình thái: Đào tiên là cây gỗ nhỡ. Lá xanh đậm, nhẵn, cứng, mọc thành vòng, lá hình trái xoan ngược, thon hẹp dài ở gốc, chóp thon, dài 10-15cm, rộng 3-4 cm, mọc khít nhau thành chùm 3 cái hay hơn. Hoa trên thân hay trên cành, thường đơn độc, to, thòng, mùi hôi; đài xanh có 2 môi; tràng xanh xanh, gốc hơi đỏ, có mụn nhỏ; 4 nhị, núm nhuỵ đẹp. Quả mọng hình cầu hay hình trứng, rộng 12cm, có 1 ô; vỏ cứng; thịt nhiều, trong đó có nhiều hạt hình tim ngược, dày có vỏ cứng. Cây ra hoa và quả quanh năm.

Ứng dụng cảnh quan và công dụng: Trồng Đào Tiên làm sân vườn thêm sang trọng và đẹp mắt. Đào Tiên cho quả đẹp, dáng cây đẹp, tạo thêm nét thanh tịnh cho ngôi nhà. Ngoài ứng dụng cảnh quan, quả Đào tiên (Fructus Crescentiae.) còn có công dụng giải nhiệt, hạ sốt, lợi tiểu, trị ho, trừ đờm, bổ thận, tráng dương. Ở Ấn Độ, nước sắc vỏ cây dùng để rửa sạch vết thương; lá giã ra làm thuốc đắp trị đau đầu. Rễ của loại Ðào tiên cánh (Crescentia alata H.B.K) có nguồn gốc ở Trung Mỹ, được nhập trồng ở Cần Thơ còn được dùng để cầm máu vết thương.