Mít
Cây Mít có nguồn gốc ở Nam Ấn Độ, nơi nhiệt độ và lượng mưa tương tự như ở miền Nam Việt Nam. Những quốc gia trồng nhiều mít nhất phải kể đến là các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Bănglađét.
Đặc điểm hình thái: Cây mít có bộ rễ gắn sâu, chống hạn tốt, nhưng muốn có sản lượng cao, chỉ nên trồng ở những vùng có lượng mưa từ 1.000 mm trở lên, nếu không tưới. Ngược lại, cây mít chống úng kém và những năm bị lụt, trên những đất bị úng, mít là cây chết trước tiên. Cây mít ít sâu bệnh nguy hiểm, đặc biệt là mít tố nữ.
Đặc điểm sinh thái: Cây mít dễ tính về mặt đất đai, đất dù xấu, nhiều sỏi đá, miễn là thoát nước đều có thể trồng mít, nhưng muốn cây to, sản lượng nhiều phải trồng ở đất phù sa thoát nước tốt. Người ta nói: “Trồng mít xa nhà không có trái”, hàm ý nói ở nơi đất xấu, ít chăm bón, sản lượng thấp. Gỗ mít, nhất là tâm gỗ ở các cây to, là một loại gỗ qúy, không những dùng trong xây dựng còn để làm dụng cụ, chế những đồ gỗ mỹ nghệ do thớ mềm, không nứt. Cũng không nên bỏ qua ảnh hưởng tích cực của mít đến môi trường. Do cây to, cao, sống lâu, chịu hạn, chịu nắng tốt, tán lá dày, xanh quanh năm, bóng râm có giá trị cải thiện môi trường cao, đặc biệt là mùa nắng ở nông thôn. Ngày nay ở các khu đô thị, việc trồng mít làm cây ăn quả và cây bóng mát cũng rất được ưa chuộng.
Ở Việt Nam, cây mít cùng với cây chuối được trồng từ rất lâu và được đánh giá cao về hương vị. Cây mít thích hợp với khí hậu nóng và mưa nhiều, vì vậy ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có thể trồng mít. Mít là loại cây phổ biến được trồng ở nhiều nơi. Nếu trồng đại trà thì phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật thích hợp để chi phí đầu tư thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Hiện nay có nhiều giống mít tốt như: Mít nghệ cao sản, Mít ruột đỏ…