Cảnh quan xanh “cứu cánh” bầu không khí ô nhiễm
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí. Trong đó, có 3,3 triệu ca tử vong do ô nhiễm trong nhà, 2,6 triệu ca do ô nhiễm ngoài trời, tập trung tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tại khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương (số liệu năm 2012).
Tại Trung Quốc, sương mù dày đặc bao phủ Bắc Kinh và Thượng Hải trong nhiều năm qua, đang khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng nhanh chóng. Mùa đông tại Bắc Kinh, nhiều thời điểm tầm nhìn chỉ còn khoảng 100m vào buổi sáng. Chất lượng không khí tại nhiều khu vực ở đã bị ô nhiễm lên tới cấp 6 – cấp độ nghiêm trọng nhất. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp.
Ở Việt nam, điển hình là Hà Nội, ô nhiễm do hiện tượng xoáy nghịch diễn ra khá phổ biến. Giai đoạn cao điểm tháng 12 và 1 thường cao gấp 4-5 lần so với giai đoạn tháng 7 và 8. Nguyên nhân là do mưa nhiều và trời nóng làm cho các chất ô nhiễm dễ tiêu tan và phát tán lên cao. Ngoài ra còn do khối không khí lạnh mang thêm chất ô nhiễm từ Trung Quốc vào miền Bắc nước ta. Xoáy nghịch làm không khí bị tù túng, tạo lên những đợt sương mù “nhân tạo” mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng vào mùa đông. Nhiều người dân cảm thấy ngột ngạt, khó thở khi gặp cảnh tắc đường trong những ngày này. Tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch đang chạm mức báo động. Mỗi năm, con số tử vong vì mắc các bệnh này lên đến hàng nghìn.
Sự quan tâm đến khí hậu đô thị tại Việt Nam còn rất mơ hồ và hạn chế, thiếu hẳn việc cập nhập liên tục chất lượng không khí hiện tại như nước ngoài. Đô thị có thể là chiếc áo khoác che chắn cho con người khỏi tác động của thiên nhiên, nhưng nó đồng thời cũng là ngôi nhà kính giam cầm chúng ta trong một ma trận của độ ẩm, bức xạ, nhiệt độ, không khí, ánh sáng, gió… Bầu không khí trong đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến con người và thay đổi liên tục tùy theo thời tiết, hoạt động của đô thị. Tuy nhiên, chẳng có mấy mô hình quan tâm đến vấn đề này trước khi quy hoạch xây dựng công trình.
Trong 3 ngày liên tục, chỉ số báo động môi trường của Pháp là 80 do chỉ số PM10 – nồng độ bụi lơ lửng đường kính dưới 10 Microgram/m3 lên đến 110, trong khi mức an toàn của WHO chỉ là 20. Mức trung bình năm của Lyon – một thành phố của Pháp là 35, vì vậy, trên 80 là chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp cắt giảm khí thải, thậm chí cấm luôn cả việc đốt lò sưởi bằng củi. Nếu so với Việt Nam thì tiêu chuẩn của chúng ta “hào phóng” hơn thế nhiều, 80 là con số trung bình của Hà nội, 150 mới là giới hạn tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Nếu bị kẹt xe hàng giờ vào lúc tan tầm, bạn có thể hít thở một lượng chất ô nhiễm tương đương với cả một ngày bình thường. Đi đường không đeo khẩu trang thì chỉ có “hư phổi”.
Bình thường, một người phải hít vào phổi 20 m3 không khí. Thế nhưng trong mùa đông, trung bình một m3 không khí ở Hà Nội chứa 45 mg SO2 – 40 mg NO2 – 31 mg O3 – 180 mg các chất khí hữu cơ độc hại – 135 mg các hạt bụi kích thước dưới 10 micron và 65 mg hạt bụi kích thước dưới 2,5 micron. Một nghiên cứu quốc tế tại Bangkok đã kết luận rằng, cứ giảm được 10 mg bụi trong mỗi m3 khí, thì con số tử vong vì bệnh tim mạch sẽ giảm 1-2% và 3-6% do bệnh hô hấp. Theo một thống kê khác thì giảm nồng độ PM10 xuống dưới 20 sẽ làm giảm 15% tỷ lệ tử vong sớm.
Hiện nay, xu hướng sử dụng kiến trúc xanh trong xây dựng đang lên ngôi, nhằm giảm thiểu tác động của môi trường đô thị. Dễ nhìn thấy nhất là các biệt thự nhà vườn có khuôn viên xanh và rộng. Khu sân vườn bao quanh này đóng vai trò như một tấm lưới bảo vệ ngôi nhà và các cá thể sống trong đó, bằng cách hút bớt nồng độ CO2 và acmoniac trong không khí, đồng thời điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho không gian sống, lọc bức xạ mặt trời và ngăn cản tiếng ồn.
Chính vì vậy, các chủ nhà ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sống và sức khỏe của gia đình mình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ – những đối tượng dễ chịu tác động tiêu cực từ môi trường. Ngoài vai trò làm đẹp cho ngôi nhà và thể hiện óc thẩm mỹ của chủ nhà với khách tới thăm, sân vườn và các ngoạt thất đi kèm còn có tác dụng to lớn đối với sức khỏe các cá nhân. Trong đô thị ngày nay, ngoại trừ các nhà ở không có sân vườn, hoặc chỉ có sân nhỏ mà không thể có vườn, thì hầu như ai cũng mong muốn được sống trong một ngôi nhà có đầy đủ cả 2 thứ trên. Con người khi đứng trước thiên nhiên (nước, cỏ cây hoa lá, núi non…) đều cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và thư thái, nhịp thở sâu và đều, như tìm được chốn yên bình sau những vồn vã của cuộc sống.
Tin liên quan
- Những lưu ý khi xây dựng một bể cá koi trong vườn
- Những mái nhà cỏ đẹp ngất ngây trên thế giới
- Kiến trúc và thiên nhiên- khách sạn trong vườn nho
- Sự tình cờ tạo nên khu vườn thơ mộng
- Phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng trên trái đất
- Cảnh quan đẹp mê hồn ở Nhật Bản
- Một số cảnh quan thiên nhiên đẹp kỳ bí trên thế giới
- Tạo dáng con vật vui nhộn trong vườn
- Những ngôi nhà hòa mình vào thiên nhiên
- Linh hồn thành phố hồi sinh cùng những dòng sông