Củ Ấu

Củ Ấu gồm vài loài thực vật thuộc chi Trapa

Củ Ấu gồm vài loài thực vật thuộc chi Trapa, họ Trapaceae, có nguồn gốc ở miền ôn đới châu Âu, Á và Phi.

Ấu trụi, Ấu gai

 

Đặc điểm hình thái: Ở Việt Nam có ít nhất 3 loại: Ấu trụi (ấu có hai sừng tù, trồng ở Hải Phòng), Ấu gai (ấu có hai sừng nhọn, trồng ở Thái Bình) và Ấu sừng trâu (trồng ở Phú Thọ). Tuy gọi là “củ” đây đúng ra là “quả” vì nó phát triển dưới nước, đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên được gọi là “củ”.

Lá cây ấu có hai dạng: Lá ngầm nhọn mũi, thân dài, trông gần giống như rễ; Lá nổi hình gần như vuông, rộng khoảng 5 cm, mép có răng cưa. Mặt trên của lá thì nhẵn, màu lục thẫm. Mặt dưới màu hung đỏ, có lông tơ. Cuống lá xốp ruột, phình ra có tác dụng như cái phao để nổi lên trên mặt nước. Hoa ấu là loại hoa đơn, sắc trắng. Trái ấu, tức “củ” có thân hình xoan với hai góc nhọn chìa ra hai bên.

Đặc điểm sinh thái: Ấu là cây thủy sinh, thường mọc ở vùng nước đọng sâu không quá 5 m. Cây củ ấu được trồng ở các ao đầm khắp nơi trong nước ta. Trồng bằng hạt hay bằng chồi. Mùa hoa (ở miền Bắc) vào tháng 5 – 6; mùa quả vào các tháng 7 – 9.

Ứng dụng cảnh quan và công dụng: Quả giàu tinh bột, tính mát, dùng để ăn, vỏ quả và toàn cây dùng làm thuốc. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, củ ấu vị ngọt chát, tính bình. Công dụng thoát tả, giải độc, tiêu thũng. Dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đại tiện ra máu, bệnh dạ dày. Mỗi lần dùng 30-60g sắc uống. Củ ấu đốt tồn tính, tán bột trộn dầu vừng bôi chữa trĩ, mụn nước, viêm nhiễm ngoài da; nấu vỏ lấy nước rửa hậu môn chữa sa trực tràng (lòi dom). Vỏ quả sao cho thơm, sắc uống chữa sốt, chữa mệt nhọc khi bị sốt rét, còn dùng chữa loét dạ dày, loét cổ tử cung. Toàn cây chữa trẻ con sài đầu, giải độc rượu, làm cho sáng mắt. Ngày dùng từ 10-16g dưới dạng thuốc sắc. Cần lưu ý, tuy củ ấu là vị thuốc, ăn ngon, nhưng ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực bụng không dùng.

 

Luxury Garden