Lộc vừng

Cung cấp cây lộc vừng trồng làm cảnh- lấy bóng mát

Lộc Vừng

Trong số những loài cây cảnh, có lẽ lộc vừng là loại cây mà nhiều người ưa nhất. Thích không chỉ ở tên gọi gợi nhớ chuyện “Vừng ơi mở cửa…” mà còn quý bởi chúng thuộc một trong bốn cây cảnh quý “sanh, sung, tùng, lộc” mà  nghệ nhân ca tụng. Lộc vừng – có thân và gốc đẹp, hoa có hương thơm, được  người ta ưa thích.

Lộc vừng – tên khoa học là Barringtoria acutangula Gaertn , nằm trong bộ tam đa sinh vật cảnh:  cây vạn tuế ứng với thọ, cây lộc vừng ứng với lộc và sung mang nghĩa sung túc, phúc lành.

Cây phân bố từ vùng bờ biển phía Tây Nam Châu Á đến Bắc Australia, từ miền Đông Afghanistan đến Philippines và Queensland.

Ngoài tác dụng làm cảnh và tạo bóng, Lộc vừng còn có nhiều công dụng khác. Ở nhiều nơi trên đất nước ta, lá non được dùng làm rau, ăn riêng hoặc dùng chung với lá đinh lăng để ăn gỏi cá, hoặc ăn với các loại thịt có lượng đạm cao như thịt chó, thịt dê. Dân gian miền Trung có câu “Cá lẹp mà kẹp rau mưng; Ông ăn to miếng mụ trừng mắt lên” cũng cho ta thấy cách sử dụng lá Lộc vừng (Mưng) trong bữa ăn. Trong món ăn đặc sản Nam bộ – bánh tráng phơi sương – cũng ít khi vắng bóng lá Lộc vừng.

Nhiều bộ phận của cây Lộc vừng cũng được nền y học truyền thống của nhiều nước ở Châu Á dùng trị bệnh. Nước ép của lá được dùng điều trị tiêu chảy. Vỏ cây được dùng trị các vết thương. Trái cây được dùng trị ho, cảm lạnh, và bệnh suyễn. Nước ép trái xanh dùng bôi chữa chàm, hoặc nghiền nhỏ ngâm với rượu, ngậm chữa đau răng. Hạt được dùng trị đau bụng, đỏ mắt, tiêu chảy, nhức đầu hoặc mài với một ít nước dùng xoa ngực để giảm đau và trị cảm lạnh, xoa bụng để giảm cơn co thắt và đầy hơi. Vỏ thân và rễ được cũng được giã nhuyễn để thuốc cá.

Lộc vừng là một loài có tuổi thọ cao, có bóng tỏa tốt, cho hoa đẹp, nhân giống dễ, rất thích hợp với việc trồng tôn tạo cảnh quan, nhưng cũng mong rằng trong quá trình phát triển cần nghĩ tới việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

 

Luxury Garden