Sao Đen
Sao đen có tên khoa học là Hopea odorata Roxb, thuộc họ Sao dầu – Dipterocarpaceae. Ở nước ta, cây mọc hoang ở rừng các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ và thường được trồng làm cây bóng mát trong sân vườn hoặc đường phố.
Đặc điểm hình thái:
Cây gỗ lớn có thân cao suôn thẳng từ 20-30m, có những lằn nứt dọc theo thớ, màu đen. Lá gần như không cuống, hình trái xoan thuôn hay trái xoan ngọn giáo, nhọn tù, dài 6-17cm, rộng 3-9cm, mặt trên láng và xanh bóng, mặt dưới mịn; gân chính rõ với 7-10 cặp gân phụ. Hoa nhỏ, mọc thành chùm màu trắng, có mùi thơm nhẹ. Quả có 2 cánh lớn dài 5-6cm, do 2 thuỳ của đài hoa cùng lớn lên. Vỏ quả dai và mỏng, lúc chín có màu nâu.
Sao đen có cụm hoa hình chuỳ mang mang nhiều bông, mọc ở nách lá hay đỉnh cành; trục cụm hoa có lông xám trắng, mỗi cụm hoa thường mang 10-12 bông, mỗi bông có 4-6 hoa. Hoa gần không cuống, lá đài 5, phía ngoài và trong có lông. Cánh hoa 5, hình lưỡi hái, mép có răng, có lông ở ngoài. Nhị 15-19; chỉ nhị rộng và dẹt, phía trên thót lại; bao phấn có trung đới hình dùi, mảnh. Bầu có lông, vòi nhẵn.
Quả sao đen hình trứng, đường kính 7-8mm, mang 2 cánh phát triển, dài 5-6cm, rộng 1-2cm, có 7¬11 gân song song. Khi non quả có màu xanh lá cây, khi già chuyển sang màu vàng nâu.
Đặc điểm sinh thái: Sao đen sinh trưởng thuận lợi ở các khu vực nhiệt đới ẩm có 2 mùa mưa và khô rõ rệt. Sao đen ra hoa tháng 2-3, mùa quả tháng 4-7.
Công dụng: Người ta thường dùng vỏ Sao đen thay vỏ Chay để ăn trầu. Vỏ khô ngâm rượu hoặc sắc nước đặc còn dùng chữa viêm lợi, áp xe lợi và trị sâu răng. Ở Ấn Độ, nhựa cây dùng dưới dạng bột làm thuốc cầm máu.